Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt

Luật sư Nghệ An

Theo nội dung dữ kiện vấn đề mà tác giả đã nêu và các quan điểm xung quanh việc xử lý tình huống tại phiên tòa vắng mặt người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại là người dưới 18 tuổi, trong khi đã được triệu tập hợp lệ và đại diện của bị hại và bị hại đồng ý với việc Tòa tiếp tục xét xử. Quan điểm thứ nhất cho rằng Tòa tiếp tục xét xử và quan điểm thứ hai thì cho rằng Tòa phải hoãn phiên tòa để đảm bảo sự có mặt của người bảo vệ quyền lợi cho bị hại dưới 18 tuổi. Qua nghiên cứu tình huống và trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Xem thêm: Thủ tục xóa án tích cho người có án tích theo quy định của pháp luật hiện hành

Tôi có quan điểm đồng tình với nhận định của quan điểm thứ nhất đó là: “Tại phiên tòa do có mặt cha mẹ của bị hại và bị hại. Nếu cha mẹ của bị hại và bị hại thống nhất không cần sự có mặt của ông A thì Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án mà không cần phải hoãn phiên tòa.”. Quan điểm này là hoàn toàn có cơ sở, phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay, đảm bảo đúng thủ tục tố tụng. Chính vì vậy, tôi không đồng tình với quan điểm thứ hai và đây cũng là quan điểm của tác giả đã đưa ra đó là “phải hoãn phiên tòa”.

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1 Điều 297 BLTTHS năm 2015 thì các trường hợp phải hoãn phiên tòa: 1. Tòa án hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp: a) Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này; b) Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện ngay tại phiên tòa; c) Cần tiến hành giám định bổ sung, giám định lại; d) Cần định giá tài sản, định giá lại tài sản. Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.”. Và, theo quy định tại  Điều 292 BLTTHS thì 1. Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử. 2. Trường hợp xét thấy sự vắng mặt của bị hại, đương sự chỉ trở ngại cho việc giải quyết bồi thường thiệt hại thì Hội đồng xét xử có thể tách việc bồi thường để xét xử sau theo quy định của pháp luật.. Như vậy, theo quy định thì việc hoãn phiên tòa chỉ đặt ra thuộc 1 trong 4 trường hợp theo quy định tại khoản 1 Điều 297 BLTTHS. Đối với trường hợp 1 đó là “Có một trong những căn cứ quy định tại các điều 52, 53, 288, 289, 290, 291, 292, 293, 294 và 295 của Bộ luật này”, cụ thể: Tại phiên tòa có thể vắng mặt người tiến hành tố tụng hoặc người tham gia tố tụng là bị hại, đương sự hay người đại diện mới đặt ra vấn đề là tại phiên tòa nếu vắng mặt của họ thì mới xem xét việc hoãn hay không hoãn phiên tòa. Trong khi đó, pháp luật lại không có quy định về việc xem xét hoãn phiên tòa khi có sự vắng mặt của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, kể cả trong trường hợp sự vắng mặt đó là của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại dưới 18 tuổi.

Thêm vào đó, theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 84 BLTTHS thì: 1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự là người được bị hại, đương sự nhờ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp. 2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có thể là: a) Luật sư; b) Người đại diện; c) Bào chữa viên nhân dân; d) Trợ giúp viên pháp lý.. Và, theo khoản 4 Điều 84 BLTTHS thì “4. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự có nghĩa vụ: a) Sử dụng các biện pháp do pháp luật quy định để góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án; b) Giúp bị hại, đương sự về pháp lý nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.”.

Từ sự dẫn chiếu các quy định trên cho thấy khác với người bị buộc tội có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình hoặc người có nhược điểm thể chất mà không tự  bào chữa được, người có nhược điểm về tâm thần hoặc người dưới 18 tuổi, thì nếu người bị buộc tội không thuê, không mượn, không nhờ người bào chữa thì Tòa án phải yêu cầu hoặc đề nghị Đoàn luật sư phân công Văn phòng luật sự cử Luật sư bào chữa cho người bị buộc tội theo các trường hợp trên (Điều 76 BLTTHS). Trong khi đó đối với bị hại hay đương sự là người trên 18 tuổi hay dưới 18 tuổi thì pháp luật không có quy định Tòa án phải yêu cầu hay mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp mà việc có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hay không là do ý chí của họ là, vì họ có nhờ hay không nhờ họ có toàn quyền quyết định Tòa án có trách nhiệm tôn trọng ý chí của họ. Đối với bị hại hay đương sự là người dưới 18 tuổi thì Tòa án phải xác định người đại diện cho họ theo quy định tại Điều 136 BLDS năm 2015. Theo đó, cha mẹ đối với con chưa thành niên (là người dưới 18 tuổi theo BLTTS) sẽ là người đại diện cho họ. Tức là sự có mặt của người đại diện cho người dưới 18 tuổi là bắt buộc phải có nếu họ vắng mặt thì phải hoãn phiên tòa.

Với những phân tích trên, tôi cho rằng tại phiên tòa vắng mặt Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại dưới 18 tuổi; trong khi họ đã được triệu tập hợp lệ nhưng vắng mặt không có lý do và tại phiên tòa bị hại và Đại diện hợp pháp của bị hại có ý kiến thống nhất không cần sự có mặt của Người bảo vệ thì trong trường hợp này Hội đồng tiếp tục xét xử mà không cần thiết phải hoãn phiên Tòa; về thủ tục tố tụng thì HĐXX yêu cầu đại diện VKS cho quan điểm; bị hại và đại diện của họ; sau đó, HĐXX hội ý và quyết định theo hướng như trên tức là “phiên tòa tiếp tục xét xử”.

Thứ hai, đối quan điểm của tác giả cho rằng  “cần thiết phải hoãn phiên tòa để có mặt của ông A tại phiên tòa lần thứ hai mặc dù tại phiên tòa cha mẹ của bị hại và bị có ý kiến thống nhất không cần sự có mặt của ông A”, mặc dù, Điều 297 BLTTHS không có quy định nào về trường hợp hoãn phiên tòa nếu người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự nói chung (bị hại là người dưới 18 tuổi nói riêng) vắng mặt tại phiên tòa lần thứ nhất, tuy nhiên theo quy định tại khoản 1 Điều 292 BLTTHS thì “Nếu bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì tùy trường hợp, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa hoặc vẫn tiến hành xét xử.”. Theo quy định này, phải được hiểu trường hợp bị hại hoặc người đại diện của họ vắng mặt thì HĐXX mới đặt ra vấn đề có hoãn hay không hoãn.

Qua thực tiễn áp dụng pháp luật về thủ tục tố tụng tôi thấy rằng trong trường hợp vắng mặt của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại dưới 18 tuổi, việc vắng mặt của họ là không có lý do và chính bị hại và người đại diện là bố mẹ đã đồng ý không cần sự có mặt của Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại; xét thấy đó là ý chí của họ và không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án. Vì vậy, việc hoãn phiên tòa là chưa phù hợp với thực tiễn áp dụng các quy định của pháp luật mà theo tôi phiên tòa vẫn tiếp tục xét xử  là đúng pháp luật, phù hợp với thực tiễn giải quyết các vụ án hình sự hiện nay.

Trên đây là quan điểm cá nhân của tôi đối với bài viết “Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị hại vắng mặt lần thứ nhất: Hoãn phiên tòa hay tiếp tục xét xử?”, xin được trao đổi với tác giả và bạn đọc./.

Mọi thắc mắc Quý khách hàng có thể liên hệ theo thông tin sau:

Văn phòng luật sư số 1 Nghệ An

  • Điện thoại: 0238 386 3939 – Hotline: 091 234 1585
  • Email: luatsuso1nghean@gmail.com - anthanhvinh@gmail.com
  • Fanpage: Văn phòng luật sư số 1 Nghệ An
  • Địa chỉ: P.102, Tòa nhà VCCI, Số 1, Đại Lộ V.I.Lê Nin, Vinh, Nghệ An.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *